Sự quyến rũ của Bán đảo Sơn trà

Từ xa xưa Sơn Trà là một hòn đảo nằm cách đất liền, gồm ba ngọn núi nhô cao. Ngọn phía Đông Nam trông như hình con nghê chồm ra biển nên gọi là hòn Nghê, ngọn phía tây hình dạng như cái mỏ diều hâu nên gọi là ngọn Mỏ Diều và ngọn phía bắc vươn về phía Ngự Hải bên kia cửa biển dài như cổ ngựa nên gọi là ngọn Cổ Ngựa. Qua thời gian, dòng hải lưu chảy ven bờ đã tải phù sa bồi đắp dần lên tại thành doi đất từ đất liền ra đảo làm nên bán đảo Sơn Trà. Cùng với hệ thống núi non của Hải vân Sơn ở phía Bắc, bán đảo Sơn Trà ở phía Nam quây lại thành một hình cánh cung tạo nên vũng biển mang tên vũng Sơn Trà, hay còn gọi bằng cái tên nôm na như vũng Thùng, vũng Hàn, vũng Tiên Sa, vũng Đà Nẵng. Vũng Sơn Trà tuy rộng nhưng sâu và kín đáo, mặt nước phẳng lặng và trong xanh. Cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu đều nằm trong vũng này và có thể đón nhận các tàu biển có tải trọng trên 20.000 tấn ra vào và neo đậu dễ dàng.

Vì bán đảo Sơn Trà có một vị trí đặc biệt có thể kiểm soát cả một vùng lãnh hải rộng lớn và là phên giậu che chắn cho Đà Nẵng, Quảng Nam cho nên thời nhà Nguyễn đã có quân lính trấn đóng ở đây. Thời Minh Mạng cho xây “pháo đài phòng hải” để kiểm soát mặt biển. Đầu năm 1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công rồi đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, mở màn cho chiến tranh Việt – Pháp sau này. Dưới thời Mỹ – Ngụy, bán đảo Sơn Trà trở thành một pháo đài phòng thủ kiên cố với quân cảng Tiên Sa, đài rađa, căn cứ pháo binh cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại khác. Mặc dù trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt, thảm thực vật ở đây bị tàn phá nặng nề, nhưng rừng nguyên sinh trên bán đảo vẫn còn nguyên vẹn, là một bảo tàng thiên nhiên hoang dã nằm sát nách một đô thị lớn.

Bán đảo Sơn Trà có gần 4.000 ha rừng, trong đó một phần là đất đồi đang được phủ thêm loại cây công nghiệp. Có người đã ví Sơn Trà như một buồng phổi khổng lồ cung cấp dưỡng khí cho thành phố Đà Nẵng. Trong rừng nguyên sinh này có 289 loại thực vật bậc cao thuộc 217 chi, 90 họ. Về động vật, nơi đây là chỗ quần cư của họ hàng nhà khỉ với khoảng hơn 400 con voọc và nhiều loại khỉ đuôi dài. Ngoài ra còn có chồn, heo rừng, gà rừng, hoẵng…

ban dao son tra da nang son tra dn1

Núi Sơn Trà cao đến 700m. Đứng từ trung tâm thành phố Đà Nẵng trông lên thật là “chót vót chín tầng mây”. Núi Sơn Trà xưa nay được xem như đài khí tượng thiên nhiên của nhân dân quanh vùng. Đứng từ đỉnh núi Sơn Trà, du khách có thể ngắm nhìn được toàn cảnh bốn bề: xa xa về hướng Nam là núi Ngũ Hành lô nhô năm ngọn giữa biển cát mênh mông, phía Đông Nam là Cù lao Chàm nhấp nhô trên sông nước, phía Tây là phố thị sầm uất với con sông Hàn thướt tha dải lụa, phía bắc là hệ thống núi non Hải Vân Sơn chập chùng chạy dài ra biển…

Ngay nay, bán đảo Sơn Trà vẫn còn hoang sơ với nhiều bãi tắm thơ mộng trải dài hàng chục kí-lô-mét. Du khách có thể đi từ cảng Tiên Sa ngược lên hướng bắc sẽ gặp bãi Tiên Sa. Theo truyền thuyết, ngày xưa các nàng tiên từ trời xuống đi dạo và tắm mát ở đây. Nếu đi xuống phía Nam thì gặp các bãi Xếp, bãi Bụt, bãi Nam thật quyến rũ, cảnh thần tiên hiện ra trước mắt. Duy chỉ có bãi Bắc thì chỉ đến được bằng thuyền. Bãi tắm ở đây thật hoang sơ, vắng vẻ, cát trắng phau phơi dưới ánh nắng chói chang của mùa hè. Trên những bãi biển tuyệt đẹp đó, một số công ty đã đầu tư xây dựng nhiều nhà nghỉ cũng như các dịch vụ biển để phục vụ du khách tham quan và giải trí.

Bán đảo Sơn Trà đang được đầu tư khai thác các tour du lịch sinh thái. Sức bật của một vùng núi rừng hoang dã được tiếp sức với sự kích cầu của thành phố Đà Nẵng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước tương lai sẽ biến Sơn Trà thành một đô thị du lịch tầm cỡ. Các dự án đầu tư tham vọng xây dựng Sơn Trà thành bán đảo du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn từ ba đến năm sao.
Đầu năm 2009, cầu Thuận Phước dài 1.255m nối liền hai quận Hải Châu và Sơn Trà, mở ra một cơ hội phát triển ngành du lịch tại bán đảo. Du khách có nhiều cơ hội đến khám phá “lá phổi xanh” trong lòng thành phố một cách thích thú và thoải mái trong suốt mùa hè đầy nắng gió…

Liên hệ